Tiền sản giật
Được coi là 1 trong 4 bệnh huyết áp cao xảy ra trong thời gian có thai. 3 bệnh còn lại bao gồm: cao huyết áp thai nghén, cao huyết áp mạn tính, tiền sản giật xảy ra trên người có cao huyết áp mạn tính.
Nguyên nhân: trước đây tiền sản giật được gọi là nhiễm độc thai nghén, vì cho rằng do độc tố có trong máu của phụ nữ có thai. Giả thuyết này tuy không đúng nhưng các thầy thuốc vẫn chưa xác định được nguyên nhân đích thực mà chỉ có thể cho là: do thiếu máu đi tới tử cung; tổn thương các mạch máu; có vấn đề ở hệ miễn dịch; chế độ dinh dưỡng kém.
Các yếu tố nguy cơ: có tiền sử cá nhân hay gia đình bị tiền sản giật; có thai lần đầu hoặc có thai lần đầu với bạn tình mới; tuổi trên 35; béo phì; đa thai; có bệnh đái tháo đường khi có thai; tiền sử có một số bệnh từ rước khi có thai như: cao huyết áp mạn tính, đái tháo đường, bệnh thận hay bệnh lupus đều tăng nguy cơ bị tiền sản giật.
Khi đã được chẩn đoán là tiền sản giật, thầy thuốc cần đánh giá chức năng gan, thận, máu (đếm số lượng tiểu cầu) của người mẹ, sự phát triển của thai và cả lượng nước ối (bằng siêu âm). Hầu hết phụ nữ tiền sản giật có thể sinh con bình thường và lành mạnh, nhưng mức độ tiền sản giật càng nặng thì biến chứng càng ễ xảy ra và sớm.
Những biến chứng có thể gặp: Giảm lưu lượng máu đến nhau thai làm cho thai bị suy dinh dưỡng, thiếu oxy và có thể bị nhẹ cân, chết trong tử cung hay khi sinh ra.
Nhau bong non: tức là bong khi thai chưa sinh ra, có thể gây tử vong cho thai. Hội chứng HELLP: gồm các dấu hiệu như tan huyết, enzyme gan tăng cao và giảm số lượng tiểu cầu. Hội chứng này phát triển nhanh và đe dọa sự an toàn cho cả thai và người mẹ, đặc biệt nguy hiểm ở chỗ có thể xảy ra khi chưa có các dấu hiệu hay triệu chứng tiền sản giật.
Sản giật: khi tiền sản giật không được kiểm soát tốt, các cơn giật xảy ra, với các triệu chứng nghiêm trọng như: nhức đầu nặng, rối loạn thị lực, không còn tỉnh táo, có khi hôn mê, tổn thương não và tử vong cho cả mẹ và thai.
Thường xuyên kiểm tra huyết áp đề đề phòng tiền sản giật. Ảnh: Gettyimages |
Điều trị:
Nghỉ ngơi tại giường càng nhiều càng tốt, tranh thủ thời gian để thai phát triển.
Dùng thuốc: do thầy thuốc chỉ định, thuốc corticosteroid giúp cho phổi của thai trưởng thành hơn chỉ sau 48 giờ. Dùng sunfat magiê tiêm tĩnh mạch để tăng lưu lượng máu tới nhau và ngăn ngừa cơn giật.
Gây chuyển dạ sớm, có khi cần mổ lấy thai vì sau sinh chỉ vài ngày huyết áp trở lại bình thường. Cách phòng ngừa tốt nhất là được quản lý thai nghén sớm và định kỳ, dùng đa sinh tố và một số chất dinh dưỡng bổ sung trong khi có thai.
Thiếu máu và thai nghén
Có nhiều thể thiếu máu với những nguyên nhân khác nhau và cũng ảnh hưởng khác nhau đến người mẹ và thai. Triệu chứng thường gặp nhất của mọi thể thiếu máu là cảm giác mệt nhọc vì cơ thể không nhận đủ oxy. Ngoài ra còn có thể có: da xanh, loét miệng và lưỡi, thở nhanh, ăn không ngon, tiêu chảy, tê bì hay đau nhói ở bàn tay, bàn chân, yếu cơ, tâm trí lú lẫn hay dễ quên.
Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh thường gặp nhất trong số các nguyên nhân gây thiếu máu nhưng dễ chữa, xảy ra khi cơ thể thiếu chất sắt. Nồng độ sắt thấp trong máu có thể do 3 nguyên nhân: mất máu do bệnh hay do chấn thương, không nhận đủ sắt, không hấp thụ được chất sắt. Thiếu máu thiếu sắt cũng có thể xảy ra khi cơ thể có nhu cầu cao hơn về sắt, ví dụ như khi có thai.
Thiếu máu do thiếu sắt thể nhẹ thường không gây ra triệu chứng hay vấn đề gì nhưng thể nặng gây suy hược và những vấn đề nghiêm trọng cho trẻ, phụ nữ có thai và có thể ảnh hưởng đến tim. Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt có thể có tiếng thổi ở tim, chậm lớn và chậm phát triển chung. Trẻ còn có nguy cơ lớn hơn bị nhiễm độc chì, nhiễm khuẩn và có thể gây ra những vấn đề về hành vi. Với phụ nữ có thai thì có thể tăng nguy cơ sinh non và sinh ra con nhẹ cân. Tim thiếu oxy nên phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tim đập nhanh hay không đều, có cảm giác đau ngực, tim to ra và thậm chí suy tim.
Thiếu sắt là vấn đề dinh dưỡng thường gặp nhất và thiếu máu do thiếu sắt là thể bệnh phổ biến nhất, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh sản. Thiếu máu thiếu sắt trên thực tế ảnh hưởng đến nửa số phụ nữ có thai và cứ 5 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản thì có 1 phụ nữ bị thiếu máu thiếu sắt.
Các nguyên nhân gây bệnh cũng thường chữa khỏi trong hầu hết số trường hợp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì lại có thể dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.
Thiếu máu do thiếu vitamin: vitamin có ở hầu hết thực phẩm, nếu thiếu có thể phát sinh thiếu máu. Để tạo ra đủ số lượng tế bào máu lành mạnh, nhất là hồng cầu, tủy xương cần được cung cấp thường xuyên chất sắt, vitamin B12, folate và vitamin C có trong chế độ ăn.
Phụ nữ có thai và cho con bú có sự gia tăng nhu cầu về folate, do đó cần loại trừ nhiều nguyên nhân khác gây giảm hấp thụ folate (bệnh đường ruột…). Không đáp ứng sự gia tăng nhu cầu này sẽ gây ra thiếu hụt folate và có thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh cho não và tủy sống của thai, vì vậy cần uống folic acid (dạng tổng hợp của folate) ngay từ khi chuẩn bị có thai. Khi có thai, vẫn cần bổ sung để tạo ra các tế bào máu và tế bào thần kinh có chất lượng.
Thiếu máu do thiếu vitamin thường diễn biến chậm, trong nhiều tháng hay nhiều năm. Các triệu chứng lúc đầu có thể không rõ ràng nhưng tăng dần theo mức độ nặng lên của bệnh
Bệnh thiếu máu có tính chất di truyền như bệnh thiếu máu hồng cầu liềm, bất thường ở huyết sắc tố bệnh mang tên S-C1, một số thể thiếu máu Thalassemia… sẽ tăng nguy cơ xảy ra sự cố khi có thai. Những phụ nữ thuộc về chủng tộc hay gia đình có nguy cơ cao bị những bệnh lý nói trên cần được làm xét nghiệm máu thường quy, để kiểm tra có huyết sắc tố bất thường ngay từ trước khi sinh. Lấy mẫu gai nhau hay chọc hút nước tiểu là những thăm dò có thể thực hiện để phát hiện bất thường về huyết sắc tố ở thai.
Nhiễm khuẩn tiết niệu và thai nghén
Nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) là khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hay thận và sinh sôi nẩy nở gây nhiễm khuẩn cho toàn bộ hệ tiết niệu. NKTN có thể bắt đầu từ bất cứ vị trí nào của hệ tiết niệu, có thể phát triển thầm lặng hoặc chỉ tiểu rắt, tiểu buốt nên nhiều người nghĩ là bị viêm bàng quang hay viêm niệu đạo.
Tình trạng thai nghén làm tăng nguy cơ bị NKTN
Nồng độ progesterone cao trong khi có thai làm cho cơ niệu quản giãn, do đó niệu quản dài ra và khi tử cung lớn lên thì có thể chèn ép vào niệu quản làm cho dòng nước tiểu không lưu thông dễ dàng. Đến cuối kỳ thai nghén, đầu thai nhi lại đè vào bàng quang nên không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn mỗi khi tiểu càng làm cho dòng nước tiểu ứ đọng, khó lưu thông, tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trước khi bị thải ra ngoài. Vì thế, phụ nữ có thai cần làm xét nghiệm nước tiểu xem có vi khuẩn ngay từ lần khám thai đầu tiên. Nếu thử lần đầu âm tính thì ít có nguy cơ bị NKTN sau này khi thai phát triển to hơn. Tỷ lệ NKTN ở phụ nữ có thai khoảng dưới 10% và cần được điều trị bằng kháng sinh; nếu không điều trị thì tỷ lệ phát triển thành viêm thận khi có thai có thể lên đến 30%.
Khi có thai bị NKTN, cần làm gì?
Nếu bị viêm bàng quang khi có thai hoặc có test dương tính với vi khuẩn đường niệu ngay lần khám thai đầu tiên thì cần điều trị bằng kháng sinh (KS) uống từ 7-10 ngày (một số KS vẫn an toàn khi có thai). KS sẽ có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng trong vài ngày nhưng vẫn cần điều trị đủ thời gian và liều lượng để hết vi khuẩn ở đường niệu. Sau khi điều trị, cần làm xét nghiệm lại để xem vi khuẩn đường niệu đã âm tính chưa. Cấy nước tiểu định kỳ tìm vi khuẩn trong suốt thời gian có thai để đảm bảo an toàn vì có khoảng 40% phụ nữ bị tái nhiễm. Nếu vẫn bị viêm bàng quang thì cần điều trị KS liều lượng nhỏ cho tới khi sinh để phòng ngừa tái phát. Nếu bị nhiễm khuẩn thận khi có thai cần nhập viện để dùng KS đường tĩnh mạch và đề phòng nguy cơ sinh non. Sau đó vẫn cần theo dõi nước tiểu và dùng KS dự phòng suốt kỳ thai ngén vì viêm thận có thể tái diễn.
Phòng tránh NKTN khi có thai: có thể hạn chế biến chứng NKTN bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày, ít nhất 1,5 lít. Không nên nhịn đi tiểu và cố làm rỗng bàng quang mỗi khi tiểu. Rửa vùng hậu môn và sinh dục bằng xà phòng sau mỗi lần đi vệ sinh và quan hệ tình dục. Uống nước nam việt quất (cranberry) vì có thể làm giảm lượng vi khuẩn trong nước tiểu. Nếu có triệu chứng viêm bàng quang, cần gặp sớm thầy thuốc để được dùng KS. Không dùng thuốc xịt hay xà phòng mạnh ở vùng sinh dục. Dùng đồ lót làm bằng sợi bông cho dễ thấm nước và thoáng.
BS. Đào Xuân Dũng